21/03/2022 9:39:06 SA
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Nhà hát NTTTCĐ Huế tham gia Hội thảo châu Á về Nhã nhạc và Múa cung đình
Ngày 26/11, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường - Đại Nội, Huế. Ban giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình cùng phòng Nghiên cứu Ứng dụng thuộc Nhà hát đã tham gia hội thảo trực tuyến với chủ đề "ASIAN COURT MUSIC AND DANCE". Tại Hội thảo, NSND Phan Thị Bạch Hạc - Giám đốc Nhà hát, NSƯT Hoàng Trọng Cương - Phó giám đốc Nhà hát, ThS. Lê Mai Phương - Trưởng phòng Nghiên cứu, Ứng dụng đã tham gia thảo luận một số vấn đề chung về Nhã nhạc và múa cung đình triều Nguyễn.
 NSND Bạch Hạc trình bày tại hội thảo
NSND Bạch Hạc trình bày tại hội thảo

Các Nội dung đã được thảo luận gồm: Tình hình Nhã nhạc và Múa cung đình sau khi Nhà Nguyễn cáo chung Sau khi nhà Nguyễn cáo chung, các nghệ nhân, nhạc công ở chốn cung đình lui về sống ẩn dật ở các vùng quê, số ít về hoạt động tiếp tại các đoàn nghệ thuật ở Huế như đoàn Đồng Xuân Lâu, đoàn Ba Vũ. Xuất thân từ chốn dân gian, được tinh lọc bằng sự tài hoa của các nghệ nhân chốn cung đình, đến giai đoạn này, các vũ khúc, bài bản âm nhạc cung đình lại quay về phục vụ chủ yếu trong các dịp lễ tế đình làng, phục vụ nhân dân.

Những nghệ nhân cuối cùng của triều Nguyễn không còn, tư liệu còn lại ít ỏi, các hình ảnh, âm thanh, băng đĩa về âm nhạc và múa cung đình vô cùng hiếm hoi, bài bản âm nhạc rách nát, hư hỏng, mất mát. Do lưu lạc ở chốn dân gian đã khiến các bài bản âm nhạc và vũ khúc đình ít nhiều biến dạng

Công tác bảo tồn lại đòi hỏi sự chính xác từ âm nhạc, vũ đạo cho đến trang phục. Để khắc phục những hạn chế và khó khăn này, những người làm công tác nghiên cứu chỉ còn cách cố gắng từng bước đi tìm tư liệu ở các viện bảo tàng trong và ngoài nước; đồng thời, đến từng vùng quê tham dự các buổi tế lễ, hỏi thăm các nghệ nhân cao tuổi, ghi chép, so sánh, đối chiếu để từ đó ghép thành một bài bản hoặc một điệu múa hoàn chỉnh. Việc đi tìm các nghệ nhân vốn xuất thân từ cung vua, phủ chúa trước đây cũng được tiến hành. Và cuộc hội ngộ với nghệ nhân Múa và Tuồng cuối cùng của triều Nguyễn - nghệ nhân La Cháu, Nhạc công cung đình Trần Kích, Nguyễn Kế, Lữ Hữu Thi đã đánh thêm một dấu ngoặc quan trọng trong công cuộc phục hồi các điệu múa cung đình cổ.

Từng bước nỗ lực không ngừng, cho đến nay, Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế đã phục hồi được 8 trong số 11 vũ khúc cung đình. Mỗi điệu múa được lập lại hồ sơ khoa học để làm tư liệu, đồng thời mời các nghệ nhân về dạy và giám sát dựa trên hồ sơ báo cáo. Từ dự án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế, công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể được triển khai đồng bộ và mang lại hiệu quả thiết thực: hơn 30 nhạc chương trong các lễ tế, 40 nhạc khúc được diễn tấu, các điệu múa Tam quốc tây-du, Tam tinh chúc thọ, Lục cúng hoa đăng, Phiến Vũ, Bát tiên hiện thọ, … đã được lập hồ sơ khoa học, phục hồi theo nguyên bản. Nếu như ngày xưa, các vũ khúc cung đình, các bài bản Nhã nhạc chỉ được diễn xướng ở chốn cung vua, phủ chúa thì ngày nay, nó được đưa ra biểu diễn rộng rãi cho dân chúng và khách du lịch cùng thưởng thức.

Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm hiện nay là những giá trị của các bài bản nằm trong hệ thống Âm nhạc cung đình, múa cung đình cần phải được thu thập, khảo cứu, hệ thống để lưu giữ, nhằm tránh trình trạng những bài bản này có nguy cơ thất truyền dần hay bị biến dạng, dẫn đến tam sao thất bản do không được sử dụng đúng mục đích và sự “sáng tạo” qua từng thế hệ nghệ sĩ. Việc phục dựng các bài bản Nhã nhạc, điệu múa cung đình cổ thật sự vẫn là một thách thức lớn đối với những người làm công tác bảo tồn loại hình nghệ thuật này...

Sau gần 20 năm nỗ lực không ngừng nghỉ

Công tác bảo tồn

Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình

Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình là một thể loại âm nhạc dân tộc cổ điển, bác học kế thừa truyền thống ngàn năm, là  một trong những nét đẹp văn hoá nghệ thuật vô cùng độc đáo của xứ Huế đã được UNESCO công nhận là một trong 28 kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

NSƯT Hoàng Trọng Cương trình bày tại hội thảo

Sau năm 1945, Âm nhạc cung đình Huế đã mất đi không gian diễn xướng vốn có của nó và có nguy cơ mai một dần. Hiện nay, tuy Âm nhạc cung đình Huế không còn giữ được diện mạo như xưa, nhưng nó vẫn có thể là một minh chứng độc đáo về sự sáng tạo văn hóa đặc biệt của dân tộc Việt Nam.

Sau năm 1975, Chính phủ, Bộ Văn hóa Thông tin và lãnh đạo của tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều chủ trương, quyết định để bảo tồn loại hình văn hóa độc đáo này, với mục tiêu bảo tồn được xác định là: bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cung đình Huế, trong đó được khẳng định là nhạc cung đình, múa cung đình, tuồng cung đình và lễ hội cung đình.

Cùng với sự nỗ lực của chính quyền, nhân dân và toàn thể cán bộ công nhân viên công tác trong lĩnh vực Văn hóa, Bảo tồn, đã có những cố gắng để phục hồi và phát huy các giá trị của văn hóa Phi vật thể, cụ thể:

- Năm 1992, nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế ra đời, chuẩn bị các cơ sở phục vụ cho công tác bảo tồn âm nhạc cung đình Huế.

- Trung tâm BTDTCĐ Huế đã triển khai tu bổ các công trình như Duyệt Thị Đường, Lương Khiêm Đường, Nam Giao, Thế Miếu để đảm bảo không gian diễn xướng tương ứng theo lịch sử,

- Tháng 3/1994 UNESCO đã phối hợp với Bộ Văn hóa Thông tin, UBND tỉnh, Trung tâm BTDTCĐ Huế tổ chức Hội nghị quốc tế về bảo vệ và giữ gìn phục hồi văn hóa phi vật thể vùng Huế. Tiếp theo là các dự án đào tạo được Bộ Văn hóa Thông tin, các Quỹ của UNESCO, Chính phủ Nhật Bản ... tài trợ cho các lớp nhạc công, diễn viên ca múa cung đình.

- Tháng 9/1996, Dự án đào tạo Nhã nhạc đầu tiên ở Việt Nam đã được xây dựng và tổ chức khai giảng tại trường ĐH Nghệ thuật Huế, với 15 sinh viên theo học các nhạc cụ thuộc dàn Đại nhạc và Tiểu nhạc. Sau đó, năm 1997 - 2000, JFAC đã tài trợ để tổ chức các hội nghị, tọa đàm về Nhã nhạc với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhiều nhà quản lý và đào tạo của nhiều nước như Nhật Bản, Phi-lip-pin, Việt Nam

- Cuối tháng 8/2002, phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Viện Âm nhạc Việt Nam, Trung tâm BTDTCĐ Huế, đã tổ chức Hội thảo Quốc tế về Âm nhạc cung đình Huế - Nhã nhạc, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước nhằm góp phần thúc đẩy công cuộc bảo tồn di sản Nhã nhạc.

Thực hiện Công ước quốc tế về Bảo tồn Di sản Văn hóa Phi vật thể (gọi tắt là Công ước 2003), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - đơn vị được giao trách nhiệm thực hiện nhiều dự án về bảo tồn Nhã nhạc và múa cung đình.

Năm 2005, khoá đào tạo nhạc công Nhã nhạc gồm 20 em được tuyển chọn và đào tạo với các chuyên ngành nhạc cổ đa dạng

Hiện nay, nhiều học viên có năng khiếu xuất thân từ các gia đình nghệ nhân truyền thống đang được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế tiếp tục tuyển chọn, đào tạo để trong tương lai gần họ sẽ là những người kế cận cho loại hình nghệ thuật diễn xướng này.

ThS. Lê Mai Phương tham gia hội thảo

Với những nỗ lực 20 năm qua, trong các công tác bảo tồn, phát huy, trao truyền cũng như nghiên cứu âm nhạc và múa cung đình, Nhà hát đã gặt hái được một số thành tựu nhất định.

Múa cung đình

Huế từng là nơi hội tụ những tinh hoa nghệ thuật của cả nước. Múa cung đình Huế cũng là một trong những di sản đặc sắc của văn hóa cố đô. Múa cung đình đi đôi với nhạc cung đình và có nguồn gốc lâu đời. Vào thời nhà Lý, nhà Trần đều đã có các điệu múa cung đình. Múa cung đình bắt nguồn từ các điệu múa truyền thống trong dân gian, được chọn lọc và nâng cao theo những qui phạm nghệ thuật chặt chẽ. Múa cung đình mang tính chất khoẻ khoắn, ca ngợi cảnh thái bình, thịnh trị, được tiếp thu các điệu múa từ cung đình và dân gian của các triều đại trước, nâng cao và sáng tạo thành những điệu múa mới, mang đặc trưng của nghệ thuật biểu diễn thời Nguyễn. Múa cung đình nhà Nguyễn chủ yếu là múa tập thể, tư tưởng, chủ đề thường biểu hiện ở các đội hình di chuyển và kết thúc bằng một đội hình ngưng đọng. Trong khi trình diễn, các vũ sinh miệng ca, tay múa theo điệu nhạc hoà tấu. Nội dung bài hát trong điệu múa hoàn toàn bằng chữ Hán.

  Để việc bảo tồn những giá trị di sản của tiền nhân để lại, những người làm công tác nghiên cứu của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đố Huế) xây dựng từng bộ Hồ sơ khoa học để hệ thống và định hình các bài bản Âm nhạc và Múa cung đình. Đây là cứ liệu để xây dựng cơ sỡ dữ liệu nhằm lưu trữ và phục dựng các loại hình diễn xướng cung đình. Chính điều này giúp cho các giá trị di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn một cách khoa học.

  Công tác truyền dạy

Thực hiện Công ước quốc tế về Bảo tồn Di sản Văn hóa Phi vật thể (gọi tắt là Công ước 2003), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - đơn vị được giao trách nhiệm thực hiện nhiều dự án về bảo tồn Nhã nhạc và múa cung đình. Đơn vị chuyên môn là Nhà hát đã tiến hành nhiều hoạt động:khảo sát và tư liệu hóa; đào tạo và truyền dạy; quảng bá và phát huy… Trong các hoạt động đó, công tác đào tạo nhạc công Nhã nhạc trẻ và tập huấn nâng cao kỹ năng biểu diễn Nhã nhạc là một trong những hoạt động nhằm xây dựng những nền tảng vững chắc cho việc nghiên cứu, tư liệu hóa và truyền dạy các kỹ năng về Nhã nhạc. Bên cạnh đó đưa các điệu múa Cung đình như Lục Cúng Hoa đăng vào trường học là cách thức để thế hệ trẻ cảm nhận và tiếp cận đến hình thức sân khấu của dân tộc. Đây là một hình thức đào tạo thế hệ khán giả cho tương lai.

Năm 2005, khoá đào tạo nhạc công Nhã nhạc gồm 20 em được tuyển chọn và đào tạo với các chuyên ngành nhạc cổ đa dạng: đào tạo: đàn nguyệt, đàn tam, sáo, trống, đàn tỳ bà, đàn nhị và kèn. Đây là một khoá đào tạo đặc biệt được đào tạo theo hình thức truyền khẩu từ các nghệ nhân (truyền nghề, truyền ngón theo dạng một thầy, một trò) và được dạy ký-xướng âm theo kiểu truyền thống (Họ, Xự, Xàng, Xê, Cống…). Khóa đào tạo nhạc công Nhã nhạc này đã được các giáo sư, nghệ nhân, nghệ sĩ có uy tín trực tiếp lên chương trình và giảng dạy như: cố GS.TS Trần Văn Khê, GS.TS Tô Ngọc Thanh, PGS.TS Hà Sâm, cố nghệ nhân dân gian Trần Kích, nghệ nhân Trần Thảo, nhà giáo Nguyễn Đình Sáng (nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp VHNT tỉnh TT-Huế), nhà Huế học Nguyễn Xuân Hoa… cùng một số nghệ sĩ Nhã nhạc có tên tuổi của Huế.

Hội thảo là nơi những người làm công tác bảo tồn đưa ra những kiến nghị trong việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Huế

 

Ngoài công tác đào tạo, mời các nghệ nhân có tên tuổi truyền dạy các kỹ năng trình diễn và trao truyền các bí kíp nghề nghịêp, Nhà hát còn thường xuyên tổ chức tập huấn cho các nhạc công để nhằm giúp họ ngày càng hoàn thiện hơn với nghề nghiệp.

Múa cung đình

Từ khi nhà Nguyễn cáo chung, những giá trị nghệ thuật của loại hình này cũng không còn nguyên vẹn, do đó những nghệ nhân, nghệ sỹ và những người làm công tác nghiên cứu đang cố gắng từng bước đi tìm những cứ liệu lịch sử từ các nghệ nhân là nhân chứng sống, cũng như các tư liệu thành văn đang thất lạc ở các viện bảo tàng trong và ngoài nước. Từ đó, lập hồ sơ khoa học làm cứ liệu cho việc khôi phục lại những vũ khúc cung đình đã bị thất truyền, nhằm đưa vào biểu diễn, giới thiệu, quảng bá đến du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là một cách để bảo tồn, phục hồi và phát huy nghệ thuật múa cung đình trong giai đoạn hiện nay.

  Hiện nay, việc phục dựng và lập hồ sơ các điệu múa cung đình cổ thật sự không hề dễ dàng lớn đối với những người làm công tác nghiện. Bởi vì hiện nay, các tư liệu về loại hình nghệ thuật này còn sót lại rất ít ỏi, các nghệ nhân am hiểu đều đã lớn tuổi hoặc đã “ôm” những vốn sống nghệ thuật sang thế giới bên kia… Tuy vậy, công tác bảo tồn lại đòi hỏi sự chính xác từ âm nhạc, động tác đến cách dàn dựng đội hình, do đó các nghệ sỹ và những người làm công tác nghiên cứu chỉ còn cách cố gắng từng bước đi tìm tư liệu ở các viện bảo tàng, cũng như tìm đến các nghệ nhân cao tuổi đã từng tham gia hoạt động loại hình múa hát cung đình để quay phim, phỏng vấn, ghi chép rồi tiến hành so sánh, đối chiếu để tìm ra độ chân xác nhất, trước khi khôi phục một điệu múa hoàn chỉnh.

  Những năm qua, từng dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể luôn được triển khai đồng bộ và mang lại những hiệu quả thiết thực, điều này đã đem lại cho nghệ thuật cung đình Huế nói chung, múa cung đình Huế nói riêng có thêm một sức sống mới. Đây cũng là một trong lý do khách du lịch thường xuyên đến Nhà hát Duyệt thị Đường (Đại Nội – Huế) để thưởng thức loại hình nghệ thuật tưởng rằng đã mai một với thời gian. Ngoài ra, với những giá trị nghệ thuật vốn có của mình, múa cung đình Huế cũng đã luôn song hành cùng Nhã nhạc tham gia biểu diễn giao lưu với các nước trên thế giới như: Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Italia, Liên Ban Nga, Nhật Bản, Áo, CHLB Đức, Pháp, Thái Lan… và đã để lại những hình ảnh tốt đẹp với khán giả quốc tế. Đây chính là niềm tự hào của những người đang làm công tác gìn giữ và phát huy vốn quý của nghệ thuật múa cung đình Huế.

Những khó khăn thách thức

+ Hạn chế về đối tượng khán giả, môi trường, tần suất biểu diễn.

+ Trình độ chuyên môn về kỹ năng biểu diễn của nhạc công chưa đồng đều.

+ Thế hệ nghệ nhân nắm giữ bí kíp nghề nghiệp ngày một ít đi

+ Lực lượng cán bộ nghiên cứu chưa đảm bảo để đảm trách một khối lượng công việc lớn, phức tạp,

+ Công tác tập huấn nghiệp vụ, chuyên môn cho các cán bộ nghiên cứu chưa được đồng bộ và toàn diện.

+ Cơ sở vật chất cho công tác nghiên cứu và tư liệu hóa chưa đảm bảo

+ Chế độ đãi ngộ chưa thật phù hợp

+ Thiếu đội ngũ kế cận

Kiến nghị

Công tác bảo tồn

+ Có chính sách ưu đãi, khuyến khích cụ thể đối với từng đối tượng làm trong lĩnh vực bảo vệ di sản phi vật thể

+ Giúp người dân, các nhạc công đang trình diễn loại hình nghệ thuật nhận thức về giá trị, tầm quan trọng của di sản Nhã nhạc và Múa cung đình.

+ Cần có sự phối hợp giữa các nhà nghiên cứu với các nghệ nhân, nhạc công trình diễn để nhằm nâng cao giá trị của các bài bản.

Công tác quản lý và phát huy

+ Kết hợp nghiên cứu và tổ chức tập huấn để trao truyền kịp thời và khoa học các bí kíp nghề nghiệp cho các nghệ sĩ.

+ Ý thức gìn giữ tính nguyên bản của các loại hình nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế.

+ Quy chế cụ thể trong việc quản lý, sử dụng và khai thác tư liệu

+ Xây dựng tiêu chí “định chuẩn” các bài bản Nhã nhạc và Múa cung đình nhằm bảo tồn tính nguyên bản, hạn chế bị biến tướng, tam sao thất bản.

+ Tiếp tục cập nhật và bổ sung thông tin, dữ liệu về các nghệ nhân, các thế hệ kế cận.

+ Mở rộng nghiên cứu về các lễ hội cung đình của Triều Nguyễn để chọn lọc phục hồi trong các dịp Festival Huế, tạo không gian và môi trường diễn xướng thường xuyên cho các loại hình nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế.

Với thế giới, những giá trị của Nhã nhạc và Múa cung đình Huế vẫn là một kho tàng bí ẩn mà giới nghiên cứu đang còn quan tâm, tìm hiểu. Ngoài là vốn quý, tài sản của dân tộc, di sản này còn là một trong những minh chứng điển hình, đại diện cho khu vực Đông Nam Á về loại hình diễn xướng cổ xưa còn sót lại./.

Tham luận tại hội thảo của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế