Ngày 23 tháng 5 âm lịch hàng năm người dân Huế từ nội thành cho đến vùng thôn quê, từ các gia đình Hoàng tộc cũ cho đến người lao động bình dân đều làm mâm cỗ cúng âm hồn để tưởng nhớ một sự kiện đau thương của Huế, ngày Kinh đô thất thủ năm 1885. Ngày này được xem như một ngày giỗ chung của toàn dân xứ Huế.
Đêm ngày mồng 4/7/1885 tức đêm ngày 22 rạng sáng ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu lợi dụng việc Khâm sứ Trung kỳ Champeaux mở tiệc nghênh tiếp Toàn quyền De Courcy đến thăm Huế, Tôn Thất Thuyết, một trong số các quan đứng đầu phe chủ chiến của triều đình An Nam đã ra lệnh tấn công Tòa Khâm sứ Pháp. Tuy nhiên cuộc tấn công đã thất bại trước lực lượng hùng mạnh của quân Pháp và bị quân Pháp tấn công trở lại. Trong trận chiến hỗn loạn đó nhiều quan lại, binh lính và dân thường tại Huế đã bị giết hại. Ngày đó trở thành một trong những ngày đẫm máu và đau thương nhất trong lịch sử xứ Huế.
Chín năm sau ngày Kinh đô Huế thất thủ, năm 1894 vua Thành Thái đã cho lập một đàn tế Âm Hồn để thờ cúng vong linh những người đã tử nạn trong sự kiện lịch sử đó. Tuy nhiên cho đến nay không nhiều người, kể cả người dân xứ Huế biết rõ nguồn gốc cũng như các nghi thức của việc này. Vì vậy chúng tôi xin giới thiệu một văn bản trong tài liệu Châu bản triều Nguyễn năm Thành Thái thứ 6 ghi chép rất cụ thể về việc lập đàn và các nghi thức của lễ tế đàn Ân Hồn ở Huế. Văn bản đã được vua Thành Thái bút phê trực tiếp bằng “Châu điểm”. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Châu bản triều Nguyễn, bản Tấu của Bộ Lễ ngày 10 tháng 5 năm Thành Thái thứ 6: Năm Hàm Nghi nguyên niên kinh thành có chuyện kinh hãi. Lần đó gươm giáo, thây người ngổn ngang, lâu năm biến thành ma lửa quấy nhiễu dân cư dẫn đến việc nhiều nơi bị hỏa hoạn. Vì vậy xin thiết đặt một đàn tế ở trong thành mỗi năm tế lễ một lần để an ủi các vong hồn u uất. Việc này đã khâm phụng phê chuẩn. Nay xin trước kỳ giao cho Bộ Công hội đồng với nha Hộ Thành xem xét trước mặt nha đó [bên tả hoặc bên hữu] chọn lấy một nơi thoáng rộng [phụng xét thấy chỗ này năm trước đã từng lập đàn tế nay xin lại lấy nơi đó để thiết đàn] đốc sức binh thợ xây đắp một nền đất vuông kiên cố bằng phẳng để làm đàn tế Âm Hồn. Hàng năm đến kỳ bộ thần sẽ dự trước tư cho các nha liên quan dựng lập rào tre và đem lễ vật trong kho đến bày biện.
Tại án chính bàn thượng thiết đặt một thần vị thành hoàng, chỉ bày biện kim ngân, hương nến, đàn trà, hoa quả, trầu rượu mà thôi. Bàn giữa thiết đặt một bài vị đề “Ất Dậu niên ngũ nguyệt nhị thập tam nhật đô thành hữu cảnh” (ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu đô thành có chuyện kinh động), bên dưới liệt kê danh sách các quan viên bị thương vong. Án bên trái đặt một bài vị đề “Lại binh thương vong chư linh” (linh vị các quan lại binh lính thương vong). Án bên phải đặt một bài vị đề “Nam phụ lão ấu thương vong chư linh” (linh vị nam nữ già trẻ thương vong).
Phủ Thừa Thiên mua sắm lễ phẩm, trừ các hạng sanh phẩm đã có định lệ ra, việc chi phí hết bao nhiêu tùy theo thời giá cho khai tiêu theo thực tế. Các viên tham dự tế lễ và các viên giúp việc cờ trống hòa thanh, súng ống đều mặc bổ phục, nhung phục chỉnh tề. Ấn quan ban võ hoặc một viên Đề đốc Hộ thành mặc bổ phục phụng sung khâm mệnh đến đầu canh 5 ngày 24 tháng 5 lên đàn làm lễ tế. Lễ xong lễ phẩm xin phân cấp cho những người dự lễ. Tất cả lễ phẩm cần thiết và nghi tiết văn thức liệt kê phía sau, xin lấy năm nay làm năm đầu, từ nay về sau ghi làm lệ mãi mãi. Kính xin đợi chỉ thi hành.
Lễ phẩm các hạng như sau:
– Thần vị hình giao long bằng giấy 1 tòa
– Thần bài giấy 3 tòa
– Bò dê lợn hạng nhì mỗi loại một con (đặt ở án giữa)
– Lợn hạng ba 2 con (đặt 2 bên án tả hữu)
– Xôi 3 mâm đầy (án giữa 8 thăng gạo nếp, hai án tả hữu đều 6 thăng)
– Quả phẩm 5 mâm
– Gạo trắng 5 phương (nấu cơm chia bày vào bát không thành 3000 khẩu)
– Muối trắng, gạo thô mỗi loại 1 phương (phân theo các lễ)
– Cỗ tiệc hạng ba 3 mâm
– Giấy kim ngân đại định 1 nghìn tờ
– Giấy kim ngân song đầu 1 vạn tờ
– Giấy tiền 3 vạn tờ
– Áo giấy 5 nghìn chiếc
– Giấy hoa văn chữ phúc Quảng Đông 1 nghìn tờ
– Giấy ngũ sắc 5 nghìn tờ
– Hương vòng 1 cân
– Hương ngắn 1 lạng
– Vòng hoa 100 vòng
– Giấy nguyên giáp 1 tờ
– Trầu cau 4 hộp
– Trà Bắc 1 lạng
– Rượu ngon 1 cân
– Dầu nước 1 cân
– Bấc đèn 1 tiền
– Vải tây đỏ 2 thước (để lau khi rửa tay làm lễ)
– Nến hạng trung 1 đôi (mỗi cây nặng 6 lạng)
– Nến dầu 20 đôi
– Dầu hỏa 1 cân (để đốt 4 cây đèn lục giác)
Nghi thức lễ tế:
(Người xướng lễ hô)
– Khởi chiêng trống
– Vào vị trí (quan khâm mệnh đứng vào vị trí)
– Rửa tay (các viên chấp sự rửa tay trước khi hành lễ)
– Đốt hương
– Rảy rượu lần đầu (hai viên chấp sự bưng rượu và chén đến trước chỗ quan khâm mệnh, quan khâm mệnh rót rượu bưng đến án giữa rảy rượu, tiếp đến hai án tả hữu)
– Tuyên đọc tế văn
– Rảy rượu lần hai
– Rảy rượu lần ba
– Rót trà
– Hóa văn tế
– Lễ xong.
Thể thức văn tế:
Duy (niên hiệu) năm thứ … (can chi) tháng 5 (can chi) ngày 24 (can chi); quan tước (họ tên) khâm phụng sắc chỉ kính cẩn dâng lễ tam sinh, xôi cỗ thịnh soạn, kim ngân, áo quần, vàng mã, rượu nhạt cùng lễ phẩm các hạng dâng tế
Liệt vị quan viên thương vong tháng 5 năm Ất Dậu
Chư linh lại binh thương vong tháng 5 năm Ất Dậu
Chư linh nam phụ lão ấu thương vong tháng 5 năm Ất Dậu
Lời rằng:
Hỡi hỡi chư linh, chẳng thể không xót xa, hoặc theo phò vua, hoặc vì nước mà phong trần, bỗng động binh lửa, mà thành thây ma, tụ thành hồn phách, đất trời sầu thảm, cỏ cây xót thương. Lời niệm lòng thành, cập đến tâm can, thê lương bù đắp, ân điển lớn lao, chút nào đắc dụng, ngầm mong an ủi, xin về thượng hưởng.
Văn bản do Lê Duy Viện phụng thảo, Phạm Văn Kinh phụng khảo. Các viên Tôn Thất Vịnh, Trần Chỉ Tín, Lê Từ, Hồng Khẳng phụng duyệt. Quan Nội các phụng duyệt và đã trình Phủ Phụ chính xem xét. Quan Nội các Tôn Thất Đạm ký, quan đương trực phụng đối duyệt Lê Tuyển ký, quan Khoa đạo Nguyễn Đức Phong ký.
Ngày 12 phụng giao ban hành.
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước